Những bí quyết hữu ích giúp cho sinh viên trên con đường tìm việc

Kiến thức ở nhà trường và yêu cầu của công việc là một khoảng cách khá xa.
Sau 4-5 năm miệt mài trên giảng đường cao đẳng, đại học, cầm trên tay tấm bằng cử nhân, hàng nghìn các bạn trẻ lao vào một cuộc chiến đầy cam go, thử thách mang tên “hành trình xin việc”. Nhiều bạn tự hỏi “tại sao có nhiều công việc thế mà mình vẫn thất nghiệp?” hay “nhìn các bạn khác tìm việc thật dễ dàng còn mình sao mãi chưa tìm được thế này?” Vậy đâu là nguyên nhân?

Rải hồ sơ khắp nơi mà quên “chăm chút” cho CV

Internet phát triển, các bạn sinh viên mới ra trường rất dễ dàng tìm được cho mình những vị trí tuyển dụng ở các doanh nghiệp, ngân hàng. Chỉ cần vài cú click chuột vào các trang mạng giới thiệu việc làm, các diễn đàn, bạn đã có thông tin về vị trí tuyển dụng, yêu cầu công việc, địa chỉ… Và nhất là trong xu hướng hiện nay, các công ty khuyến khích ứng viên nộp đơn tuyển dụng, CV thông qua emai vừa nhanh gọn, lại đỡ tốn thời gian, tiền bạc. Các ứng viên có thể ngồi ở nhà cũng nộp được CV không cần phải đi lại, hay làm các giấy tờ, thủ tục rườm rà.

Tuy nhiên chính vì suy nghĩ nộp qua mail nên cứ thấy công ty nào tuyển dụng là bạn gửi CV. Một ngày bạn có thể gửi CV đến 3-4 công ty. Có những bạn gửi đến cả hơn chục nơi nhưng vẫn “bặt vô âm tín”?

Một trong những nguyên nhân chính đó là do CV của bạn chưa cho nhà tuyển dụng thấy được điểm nổi bật, điểm khác biệt của bản thân với những ứng viên khác. Hầu hết các bạn đều lên mạng tải về một số mẫu CV, sau đó thì bắt chước sao chép lại thành của mình. CV nào cũng có nội dung và hình thức hao hao giống nhau. Lời khuyên cho các bạn sinh viên mới ra trường, nếu các công ty không yêu cầu CV phải theo mẫu thì chúng ta hãy tự nghĩ ra một CV riêng cho bản thân, tùy mỗi vị trí, mỗi công việc có những yêu cầu khác nhau mà chỉnh sửa CV cho phù hợp. Tránh tình trạng vị trí nào bạn apply cũng chung một cái CV.

Thứ hai khi các bạn gửi CV đến nhà tuyển dụng thông qua mail, các bạn cũng không ghi tiêu đề cụ thể, rõ ràng. Phần nội dung thư có rất rất nhiều các tân cử nhân mới ra trường bỏ trống hoặc ghi gọn lỏn một câu “em gửi anh/chị CV” hay “rất mong sớm nhận được sự hồi âm từ phía công ty”. Ít nhất chúng ta cũng nên có lời chào và lời giới thiệu bản thân với nhà tuyển dụng. Bởi nội dung email cũng là một phần để nhà tuyển dụng đánh giá các ứng viên.

Tâm lí “cứ đi thử cho biết”

Với tâm lí mới ra trường, các tân cử nhân dường như còn khá thoải mái về vấn đề việc làm. Nhiều bạn còn xác định sẵn sàng thất nghiệp và được trợ cấp từ gia đình sau đó một vài tháng là chuyện bình thường. Hầu hết tất cả các bạn đều đang có chung một lối suy nghĩ “đi thử cho biết”, được thì tốt không được thì xem như lấy kinh nghiệm, kèm theo một thái độ khá hời hợt, trượt chỗ này thì đi xin chỗ khác. Dẫu sao cũng mới ra trường mà. Chính vì vậy mà nhiều bạn đã ôn tập cũng như chuẩn bị chưa kĩ lưỡng cho các vòng từ hồ sơ tới thi viết cũng như các vòng phỏng vấn. Đây chính là một trong những nguyên chính khiến các bạn bị “knock out “ khi đi tìm việc.

Tại sao bạn không xác định rõ ràng rằng “mình đi thi là thi thật cơ mà và đang tìm kiếm một công việc thực sự. Mỗi lần bạn được gọi đi thi viết hay phỏng vấn là một cơ hội rất đáng trân trọng. Không dễ gì để được các nhà tuyển dụng gọi.” Có như vậy bạn mới nỗ lực và cố gắng hết mình. Cũng như khiến cho những người phỏng vấn bạn cảm thấy bạn có quyết tâm, có mong muốn thực sự với công việc, với công ty của họ.

Thường bị động sau vòng thi viết hay vòng phỏng vấn

Khi đi thi hay đi PV về rất ít bạn ngồi lại xem mình còn thiếu sót chỗ nào, PV chỗ nào chưa được, câu hỏi đó nên trả lời như thế nào thì sẽ tốt hơn, để cho lần sau không bị bất ngờ. Một điều nữa là, chúng ta hầu như không có thói quen gửi mail cảm ơn nhà tuyển dụng sau mỗi lần phỏng vấn và thường rất bị động trong việc chờ đợi kết quả. Kết thức buổi phỏng vấn thường chúng ta nên hỏi lại “bao giờ thì công ty sẽ thông báo kết quả”. Nếu bạn thực sự mong muốn công việc này thì sau lịch hẹn của công ty mà chưa có kết quả thì bạn hãy chủ động email hoặc gọi điện thoại trực tiếp tới bộ phận nhân sự của công ty để hỏi kết quả của buổi phỏng vấn. Thậm chí bạn cũng có thể hỏi thêm về những điểm chưa được của bản thân để khắc phục trong những lần sau.

Ảo tưởng về giá trị bằng cấp của mình

Nhiều bạn thất nghiệp không phải vì không xin được việc mà đôi khi chỉ vì bạn cho rằng “4 năm học tập với bao công sức, mồ hôi của bản thân, bao nhiêu tiền bạc của bố mẹ tại một ngôi trường danh tiếng, ra trường với tấm bằng khá đẹp trong tay. Tại sao mình lại phải làm những công việc với mức lương chỉ dao động trọng khoảng 3-5 triệu/tháng?” Bạn đòi mức lương cao hơn, nhưng bạn lại lúng túng trong việc trả lời câu hỏi “Tại sao chúng tôi nên trả cho bạn mức lương đó?” từ nhà tuyển dụng.

Gần như 100% trong chúng ta, khi xin việc đều có những mục đích chung như “tiền lương”, “kinh nghiệm”, “ổn định”, “cơ hội thăng tiến”. Nhưng bạn chớ vội vàng đặt tiền lương lên trước, bởi có khi nào ta tự hỏi “mình chưa có kinh nghiệm, chưa có nhiều kĩ năng mềm, lại mới ra trường, chưa thực sự hiểu rõ về công việc” thì mục đích trước mắt của mình khi xin làm công việc này là gì? Ở mỗi giai đoạn thì mỗi mục đích sẽ được đặt ở vị trí ưu tiên khác nhau. Trong thời điểm này thì chúng ta cần và nên để “kinh nghiệm” lên hàng đầu.

Hoặc giả sử nếu như bạn vẫn chưa biết mình nên làm công việc gì, lĩnh vực nào, hay mình thực sự yêu thích, phù hợp với cái gì thì hãy cứ làm bất cứ công việc nào bạn xin được, làm bằng tất cả sự cố gắng, nỗ lực của bản thân. Rồi sẽ đến lúc bạn tìm ra niềm đam mê của mình, cái gì là phù hợp với mình nhất. Đôi khi không phải người chọn việc mà là việc chọn người.

Cuối cùng là không ngừng nâng cao kiến thức của bản thân

Kiến thức ở nhà trường và yêu cầu của công việc là một khoảng cách khá xa. Nhiều bạn chỉ biết chăm chăm vào nộp hồ sơ, gửi CV đợi nhà tuyển dụng gọi đi thi viết, đi phỏng vấn mà không tự học thêm các kiến thức khác về ngoại ngữ, tin học, về lĩnh vực mà đang nộp hồ sơ. Như vậy sẽ thực sự rất ít cơ hội để bạn tìm được việc. Mỗi lần thi trượt là một lần cho ta thêm kinh nghiệm, và cho ta biết kiến thức của mình còn thiếu ở những chỗ nào. Và khi bạn không nắm chắc các kiến thức chuyên môn thì chắc chắn rằng bạn không bao giờ tự tin bước vào cuộc chiến này. Nhất là khi đối mặt với những nhà tuyển dụng.

Hành trình tìm kiếm một công việc phù hợp với bản thân, mang lại cho ta niềm vui, sự đam mê và mức thu nhập ổn định là điều không phải dễ. Có người ngay khi ra trường, thậm chí vẫn còn đang ngồi trên ghế giảng đường đã tìm thấy, có những người phải mất cả vài năm, hay chục năm mới tìm ra. Nó đòi hỏi bản thân mỗi chúng ta cần phải nỗ lực hết sức mình và bên cạnh đó là một chút may mắn, “thiên thời địa lợi”. Mong rằng các tân cử nhân sẽ xác định đúng hướng đi cho mình để có một tương lai rạng ngời ở phía trước.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *